Định giá bằng chi phí biên cộng với một khoản thuế khoán.
Một cách làm khác là đặt giá p= MC, rồi bù đắp phần thiếu hụt bằng một khoản thuế khoán. Thuế khoán được hiểu như một loại thuế đánh đại trà vào tất cả mọi người và không ai có thể thay đổi hành vi của mình để giảm bớt gánh nặng thuế phải nộp. Ưu điểm của thuế khoán là nó không gây ra những méo mó của thuế, vì vậy nó sẽ không tạo ra thêm sự phi hiệu quả cho nền kinh tế. Tuy nhiên, có một vấn đề nảy sinh.
Thuế khoán rất khó áp dụng trong thực tế. Vì nó không phân biệt giữa mọi cá nhân nên thuế này thường bị chỉ trích là không công bằng. Nếu theo nguyên tắc lợi ích, tức là ai tiêu dùng hàng hoá thì mới phải trả thuế, thì có thể sẽ công bằng hơn nếu phần thâm hụt đó được trang trải bằng một thứ thuế chỉ đánh vào người tiêu dùng sản phẩm độc quyền. Nhưng tất cả những loại thuế có phân biệt đối tượng như vậy đều gây ra sự phi hiệu quả và tổn thất này có thể lớn không kém gì sự phi hiệu quả của độc quyền mà chính phủ đang tìm cách khắc phục.
Định giá hai phần
Định giá hai phần sẽ gồm một khoản phí để được quyền sử dụng dịch vụ của hãng độc quyền (mức phí này sẽ bằng NPO), cộng với mức giá bằng chi phí biên với mỗi đơn vị dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng. Cách làm này thường hay được áp dụng trong các công ty điện thoại. Chẳng hạn, nếu có 1.000 người sử dụng dịch vụ điện thoại của hãng thì mỗi người sử dụng trước hết sẽ phải trả một mức phí bằng 1/1.000 tổng khoản lỗ mà hãng phải chịu khi sản xuất tại p = MC để được phép sử dụng dịch vụ của hãng. Sau đó, tuỳ theo thời gian gọi điện mà cá nhân sẽ phải thanh toán theo mức giá bằng MC. Tuy vậy, một vấn đề đặt ra là người tiêu dùng phải trả trước một khoản phí để được phép sử dụng dịch vụ. Điều này có thể làm một số người sử dụng ngần ngại, khiến mức tiêu dùng thực tế đạt thấp hơn mức hiệu quả.
Từ khóa tìm kiếm nhiều: quản lý kinh tế vĩ mô của nhà nước